Nhiệt độ cao đột biến cũng đồng nghĩa với việc lượng tuyết trên toàn thế giới giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 4 tại Bắc Bán cầu, thấp hơn mức trung bình của 30 năm trở lại đây khoảng 2,3 triệu km2.
Chuyên gia khí hậu học Andrew Dessler của Đại học Texas A&M cho biết kỷ lục nhiệt độ cao bị phá vỡ trong nhiều tháng liên tiếp cho thấy con người đang bước vào một giai đoạn chưa từng có trong
lịch sử khí hậu của nhân loại.
Trong khi đó, theo nhà khoa học Ahira Sanchez-Lugo của NOAA, hiện tượng ấm lên toàn cầu bắt nguồn từ hoạt động của con người là nguyên nhân khiến
nhiệt độ toàn cầu tăng lên, bên cạnh đó là El Nino - hiện tượng thời tiết cực đoan làm thay đổi nhiệt độ các vùng biển phía Đông Thái Bình Dương và kéo theo đó là nhiệt độ không khí - đã khiến mức nhiệt của năm 2015 đạt mức đỉnh điểm.
Năm 2015 là
năm nóng nhất trong lịch sử, đánh bật kỷ lục trước đó của năm 2014. Tuy nhiên, những tháng đầu năm của 2016 đang cho thấy những con số "chưa từng có," ấm hơn 0,5 độ C so với trung bình cùng kỳ 2015.
Mặc dù
El Nino đang dần giảm cường độ và hiện tượng La Nina gây nhiệt độ lạnh bất thường dự kiến sẽ đổ bộ vào cuối năm nay, bà Sanchez-Lugo cảnh báo 2016 sẽ tiếp tục phá vỡ kỷ lục để trở thành năm nóng nhất trong lịch sử.
Tháng 4/2016: Hiệu ứng cộng hưởng của hiện tượng
Trái Đất ấm lên và El Nino đã khiến tháng 4/2016 trở thành tháng Tư nóng nhất trong lịch sử và là tháng thứ 12 liên tiếp lập kỷ lục về nền nhiệt độ cao.
Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA) cho biết nhiệt độ trung bình của Trái Đất trong tháng 3 là 13,7 độ C, cao hơn 1,1 độ C so với mức trung bình của thế kỷ 20. Ở Nam Bán cầu, châu Phi, Nam Mỹ và châu Á đều ghi nhận mức nhiệt kỷ lục trong tháng 4. Tháng 4/2015 là lần gần đây nhất không có mức nhiệt phá kỷ lục.
Tháng 3/2016: Theo số liệu của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), năm 2015 đang giữ kỉ lục là năm nóng nhất từ trước đến nay, và tháng có nền nhiệt trung bình toàn cầu nóng nhất trong 100 năm qua là tháng 3/2016.
Cụ thể, nhiệt độ toàn cầu trong tháng 3/2016 đã cao hơn 1,28 độ C so với nhiệt độ trung bình của các tháng ở thế kỷ 20. Đây là lần thứ 11 liên tiếp kỉ lục nhiệt độ toàn cầu bị phá khi nhiệt độ của tháng sau luôn cao hơn tháng trước.
Tháng 2/2016: Trước đó NASA công bố số liệu mới cho thấy, tháng 2/2016 không chỉ là tháng 2 nóng nhất trong lịch sử được ghi nhận, mà mức tăng nhiệt độ còn vượt qua tất cả các kỷ lục trước đó, khiến các nhà khoa học mô tả nó như là "một cột mốc đáng ngại, hướng tới một hành tinh ngày càng ấm hơn".
Nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu trong tháng 2 qua cao hơn 1,35 độ C so với mức trung bình tháng được đo từ năm 1951 đến năm 1980. Kỷ lục trước đây, cao hơn 1,14 độ C so với nhiệt độ trung bình trong giai đoạn 1951-1980, vừa được thiết lập chỉ 1 tháng trước đó - vào tháng 1/2016.
Tháng 1/2016: Số liệu được công bố từ NASA và NOAA cho biết, tháng 1/2016 là tháng 1 nóng nhất trên toàn cầu trong vòng 135 năm qua trở lại đây.
Không chỉ vậy theo NASA khẳng định, đây là tháng có biên độ nhiệt lớn nhất, vượt trên mức trung bình 1,13 độ C của toàn cầu. Điều này dẫn tới đây là tháng thứ 9 trong chuỗi những tháng phá kỷ lục nóng nhất bắt đầu từ hồi tháng 5/2015 và là tháng thứ 4 ghi nhận mức nhiệt cao hơn trung bình 1 độ C. Đồng thời, mức nhiệt này cũng cao hơn 0,3 độ C so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 10/2015: Năm 2015 nóng nhất trong lịch sử khí tượng thế giới, khi tháng 10 đã trở thành tháng nóng nhất kể từ năm 1880, tiếp sau 7 tháng "xô đổ" mọi kỷ lục về mức nhiệt. Theo NOAA ngày 18/11, nền nhiệt trung bình toàn cầu trên cả mặt đất và đại dương trong tháng 10 được ghi nhận ở mức 14,98 độ C, cao hơn 0,98 độ C so với nhiệt độ trung bình của thế kỷ 20. Đây là tháng thứ 8 trong năm 2015 (trừ tháng 1 và 4), nhiệt độ được ghi nhận ở mức kỷ lục kể từ khi các chuyên gia bắt đầu thu thập và ghi chép dữ liệu về nhiệt độ trung bình của Trái Đất từ năm 1880.
Điều này đã khiến nền nhiệt trung bình trong 10 tháng năm 2015 cao hơn 0,86 độ C so với nhiệt độ trung bình của thế kỷ 20 và vượt kỷ lục năm ngoái 0,12 độ C. Với những kỷ lục liên tiếp về mức nhiệt, năm 2015 vẫn đang trên đường "soán ngôi" năm 2014 trở thành năm nóng nhất trong lịch sử.
Tháng 9/2015: Theo NOAA, nền nhiệt trung bình toàn cầu trên cả mặt đất và đại dương trong tháng 9 đạt 15,9 độ C, cao hơn 0,9 độ C so với nhiệt độ trung bình của thế kỷ 20 và "xô đổ" kỷ lục của tháng 9/2014 (15,7 độ C). Đây là tháng 9 thứ 39 liên tiếp nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn mức nhiệt trong thế kỷ 20. Tháng 9 có nhiệt độ được ghi nhận thấp hơn mức trung bình toàn cầu của thế kỷ 20 là vào năm 1976. Nhiệt độ của tháng 9 hiện tăng trung bình 0,06 độ C mỗi thập kỷ.
Cũng theo NOAA, 9 tháng trong năm 2015 đã trở thành một trong những giai đoạn có nhiệt độ trung bình bề mặt Trái Đất và đại dương nóng nhất trong lịch sử. Trong giai đoạn trên, nền nhiệt toàn cầu được ghi nhận cao hơn 0,85 độ C so với nhiệt độ trung bình 14,1 độ C trong thế kỷ 20 và cao hơn 0,12 độ C so với cùng kỳ năm ngoái. Có tới 7 tháng trong 9 tháng của năm 2015 (trừ tháng 1 và tháng 4) ghi nhận nền nhiệt nóng nhất trong lịch sử so với từng tháng tương ứng. Với những dữ liệu được ghi chép tính đến thời điểm này, giới chuyên gia dự báo năm 2015 có thể sẽ "soán ngôi" năm 2014 trở thành năm nóng nhất trong lịch sử khí tượng thế giới.
Tháng 8/2015: Theo NOAA, tháng 8/2015 là tháng nóng nhất chưa từng được ghi nhận trên hành tinh kể từ khi khoa học bắt đầu biết đo nhiệt độ vào năm 1880. Nhiệt độ trên bề mặt các đại dương cao nhất chưa từng được ghi nhận, cao hơn mức trung bình của thế kỷ XX đến 0,78 độ C và đánh bại kỷ lục hồi tháng 7 chỉ cao hơn mức trung bình 0,04 độ C. Tháng 7 đánh bại kỷ lục nhiệt độ trong một tháng kể từ năm 1880 trên bề mặt trái đất và các đại dương.
Tháng 8 là tháng thứ 6 của năm 2015 đánh bại kỷ lục nhiệt độ tháng trên bề mặt địa cầu sau tháng 2, 3, 5, 6 và 7. Hồi tháng 8, nhiệt độ trung bình trên trái đất và các đại dương tăng 1,14 độ C so với mức trung bình của thế kỷ XX, trở thành tháng 8 thứ 3 nóng nhất từ trước đến nay. Kỷ lục trước đó cho tháng 8 là vào năm 1998 với nhiệt độ vượt 0,13 độ C mức trung bình kể từ năm 1880 đến nay.
Tháng 7/2015: Nhiệt độ trung bình toàn cầu trên bề mặt đất và đại dương trên toàn cầu trong tháng 7/2015 cao hơn ngưỡng trung bình tháng 7 thế kỷ XX 0,81 độ. Đây cũng là mức nhiệt độ hàng tháng cao kỷ lục đo được trong suốt giai đoạn từ 1880 - 2015, khi cao hơn các tháng khác tới 16,61 độ C, vượt qua mức kỷ lục đã thiết lập vào 1998 khoảng 0,08 độ C.
Trong tháng 7, nhiệt độ bề mặt nước biển toàn cầu cao hơn mức trung bình 0,75 độ. Trong dữ liệu ghi nhận từ 1880 - 2015, mức nhiệt độ trên đã vượt qua kỷ lụctrước đó vào tháng 7/2014 khoảng 0,07 độ C. Sự gia tăng nhiệt độ bất thường này được cho do quá trình ấm lên kỷ lục tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Tháng 6/2015: Thế giới đã trải qua tháng 6/2015 nóng nhất trong lịch sử. Tháng 6/2015 là tháng thứ 4 phá vỡ kỷ lục về nhiệt độ. Các nhà khoa học tại NOAA tính toán rằng, nhiệt độ trung bình trên toàn thế giới trong tháng 6 đạt 16,33 độ C, phá vỡ kỷ lục được xác lập hồi năm ngoái ở 16,21 độ C. Thông thường, kỷ lục nhiệt độ chỉ bị phá bởi một hoặc 1-2% của một độ chứ không phải là gần 1/4 độ như những gì đang xảy ra.
Nhiệt độ trung bình của 6 tháng năm 2015 là 14,35 độ C, cao hơn kỷ lục được xác lập vào năm 2010 là 1/6 độ. Nửa đầu năm 2015 cũng là nửa đầu năm nóng nhất kể từ khi các số liệu được ghi nhận. Dường như chắc chắn rằng, năm 2015 sẽ là một năm nóng nhất trong lịch sử.
Tháng 5/2015: Các nhà khoa học thuộc chính phủ Mỹ cho biết tháng 5/2015 là tháng nóng nhất trong lịch sử, qua đó dấy lên những lo ngại về tình trạng nóng lên toàn cầu. “Đây là tháng 5 nóng nhất từ trước tới nay theo ghi nhận của chúng tôi”, ông Derek Arndt, trưởng bộ phận giám sát của NOAA phát biểu trong một hội nghị ở Mỹ.
Báo cáo của NOAA cho biết, mặc dù nhiệt độ không khí và bề mặt nước biển chỉ đạt mức vừa phải, tháng 5/2015 nóng hơn nhiệt độ trung bình trong cùng thời điểm trong 100 năm qua 0,87 độ C. Không những vậy, tháng 5 còn “cao hơn 0,08 độ C so với nhiệt độ kỷ lục trước đó vào tháng 5/2014”, báo cáo viết. Số liệu đo được vào tháng 5 tiếp tục cho thấy xu hướng nóng lên toàn cầu kể từ đầu năm nay, khi bề mặt của Trái Đất và nước biển cao hơn 0,85 độ C so với nhiệt độ trung bình của thế kỷ 20.