>> Văn hóa trong bảo vệ môi trường
>> Văn hóa phân loại rác ở các nước
>> Vai trò quan trọng của giáo dục môi trường
1. Con người tồn tại trong môi trường nên với dân tộc nào cũng đều có truyền thống ứng xử phù hợp với môi trường - ngôi nhà của mình. Chịu sự quy định của địa khí hậu ven biển, nhiệt đới gió mùa, nắng lắm mưa nhiều, cây cối tươi tốt nên con người Việt Nam sống gần gũi, thân thiện, chan hòa cùng môi trường, đã rất sớm hình thành một văn hóa ứng xử với thiên nhiên rất nhân văn.
Tinh hoa Bắc Bộ - một vở diễn về văn hóa Việt và lấy thực cảnh thiên nhiên làm sân khấu.
“Sự tích chú Cuội” kể rằng, Cuội vào rừng, vô tình biết được bí mật tái sinh của con hổ bằng lá cây. Cuội đem cây về trồng, cứu được nhiều người, hồi sinh được cả người vợ. Nhưng vì vợ Cuội đãng trí, quên lời chồng khiến cây thuốc bay lên trời. Tiếc quá, Cuội bám chặt vào gốc cây, cây bay lên cung trăng mang theo Cuội... Cái vỏ truyện cắt nghĩa một hiện tượng tự nhiên nhưng thẳm sâu bên trong là lõi ý nghĩa về khát vọng trường sinh của con người. Vốn là anh nông dân lao động hiền hậu chất phác hay giúp người, nhờ cây thuốc quý, từ tay trắng, Cuội có tất cả, gia đình, nhà cửa... Cũng vì nó mà Cuội vĩnh viễn ở trên cung trăng để mọi người chiêm ngưỡng, ngắm nhìn. Đấy là cách dân gian vĩnh cửu hóa cái tốt, người tốt, cũng là vĩnh cửu hóa cái khát vọng ngàn đời. Truyện còn là bài học về sự hòa hợp con người với tự nhiên, biết ơn tự nhiên... Những con thú hoang dã (cây cối cũng vậy) chính là loài nắm giữ bí mật của tự nhiên nên con người phải biết tôn trọng chúng. Phải biết chăm sóc, giữ gìn, bảo vệ tự nhiên, nếu không chúng sẽ bỏ đi. Chỉ một hành động vô tình thất lễ của vợ Cuội mà cây thuốc bay mất. Huống hồ các hành vi tàn nhẫn khác... Những chi tiết ấy giáo dục thật thấm thía!
Trong văn học dân gian có sự gặp gỡ giữa minh triết giản dị và lý thuyết hiện đại. Ví như một câu tục ngữ của đồng bào Sán Chay: “Giết một con trăn ăn chuột, bản mất ba vụ thóc…”, ý là: Nếu loại bỏ loài trăn chuyên ăn chuột, chuột sẽ sinh sôi phá hoại hoa màu... Ý nghĩa của nó cũng là hạt nhân của phê bình sinh thái hiện đại: Hướng đến sự cân bằng môi sinh. Con người chỉ có thể phát triển và sống hạnh phúc trong sự hài hòa với môi trường đã có từ ngàn đời.
Thì ra nội hàm của “đạo đức sinh thái” đã có trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam từ rất lâu, được tồn tại và biểu hiện qua các hình tượng nghệ thuật văn hóa sinh động, cụ thể.
Trong văn học trung đại, thiên nhiên là một đề tài lớn. Hầu như tác giả nào cũng viết về sông nước, cỏ cây, coi thiên nhiên gần gũi gắn bó với con người và con người lại coi thiên nhiên là bầu bạn. Bản thân các nhà thơ lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm… cũng sống và làm thơ giữa thiên nhiên. Các ông từ quan về ở ẩn nơi núi non, đồng ruộng, cũng là cách tìm về với sự trong lành, vô tư, phóng khoáng. Đến thời hiện đại, nhà thơ lớn Hồ Chí Minh cũng mong muốn được sống giữa thiên nhiên, tự do, tĩnh tại, thanh sạch: “Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa…”. Khi phải gánh vác nhiệm vụ trọng đại lãnh đạo cuộc kháng chiến, Bác Hồ vẫn cố dành thời gian hạnh phúc cùng thiên nhiên, làm thơ cùng “bạn” trăng: “Trăng vào cửa sổ đòi thơ”, dành thời gian hạnh phúc cùng con trẻ, cùng cỏ cây: “Việc quân, việc nước đã bàn/ Xách bương dắt trẻ ra vườn tưới rau”…
Khi xã hội ngày một văn minh, vật chất ngày thêm nhiều thì con người lại phải đối phó với bao nỗi bất an: môi trường ô nhiễm, thiên tai, văn hóa xuống cấp,… Sâu thẳm trong khao khát của con người là được sống cùng thế giới trong lành, yên tĩnh, bình an mà tươi tắn sống động. Thế giới ấy chỉ có thể có được ở nơi thiên nhiên chan hòa ánh sáng của mặt trời và ánh trăng, gió và nắng, cỏ cây và hoa, cùng thế giới loài vật quen thuộc, là cánh chim, là tiếng gà gáy, là âm thanh mõ trâu… Một thế giới trong trẻo, nguyên sơ, thanh khiết!
Như vậy, văn hóa môi trường hôm nay phải trở về truyền thống dân tộc, lấy đó làm điểm tựa để giáo dục, để giữ gìn làm lành mạnh hóa môi trường.
2. Cũng như cách mạng chính trị, văn hóa là sự nghiệp của quần chúng. Với văn hóa môi trường lại càng phải vậy, vì có ai sống ngoài trái đất đâu. Hơn nữa bản chất của tự nhiên là đa dạng sinh học nên tất cả mọi người phải tham gia bảo vệ sự đa dạng ấy. Thế nên, Tuyên bố Soul về đạo đức môi trường (1997) và Hội nghị Thượng đỉnh RIO về môi trường và phát triển (1992) đều nhấn mạnh nguyên tắc “Để cộng đồng tự quản lý môi trường của mình”. Bởi môi trường là ngôi nhà chung, không của riêng ai. Do vậy phải kêu gọi cộng đồng tự tổ chức cuộc sống văn hóa của chính họ.
Thực tế những năm qua đã chứng minh các phong trào “Làng văn hóa”, “Khu phố văn hóa”, “Sạch làng tốt ruộng”, “Bảo tồn Cây di sản Việt Nam”, “Tết trồng cây”… có tác dụng mạnh mẽ. Bài học kinh nghiệm là phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, làm tốt công tác giáo dục chỉ ra tác hại của việc hủy hoại, tác dụng của việc thân thiện, hòa hợp với môi trường; làm tốt công tác dân vận với mọi đối tượng, mọi lứa tuổi cùng tham gia…
Xu hướng chung của thế giới hôm nay là phát triển bền vững, muốn vậy càng phải tăng cường hơn nữa quảng đại quần chúng biết cách sống bền vững, tức hài hòa với môi sinh. Cần loại bỏ tập tục lao động nguyên thủy như phá rừng làm nương rẫy; cần lên án lối sống hoang dã, dã tâm săn chim bẫy thú... Cùng nhau đoàn kết phản đối các hành vi gây tác động xấu đến môi trường, làm nghèo kiệt quỹ đất, suy giảm nguồn tài nguyên…
3. Vấn đề khoa học hóa của văn hóa môi trường thể hiện ở việc vừa đi sâu vào bản chất của vấn đề, vừa hòa nhập với thế giới. Cái lõi, cái hạt nhân của văn hóa môi trường là tôn trọng tự nhiên để “sạch hóa”, “xanh hóa” môi trường. Trước sự xuống cấp nghiêm trọng của môi sinh, triết học sinh thái (ecological philosophy) ra đời như một tất yếu nhằm kêu gọi con người chung tay bảo vệ ngôi nhà của chính mình. Sống trên Trái đất thì phải biết giữ gìn, yêu thương trái đất; phá hủy trái đất tức phá hủy căn nhà đang sống, tàn phá môi sinh tức làm thui chột tính người. Đó là tinh thần nhân văn đáng quý của hướng nghiên cứu này…
Liên quan tinh thần này, một loạt khái niệm đã ra đời như đạo đức môi trường (Environmental Ethics), đạo đức sinh thái (Ecologic Ethics, Ecoethics), đạo đức sinh học (Bioethics)... Ở nhiều nước, đã xuất hiện môn học phê bình sinh thái (Ecocriticism) - còn gọi là “nghiên cứu xanh” (Green study), có nơi “liên ngành” với văn học gọi là “phê bình văn học môi trường” (Environmental literary criticism)… đề xuất quan niệm lấy “Trái đất làm trung tâm” để gắn kết môi trường tự nhiên và văn hóa. Khái niệm “văn hóa môi trường” ra đời bao trùm các khái niệm khác để chỉ cách ứng xử của con người với tự nhiên.
Với tinh thần đối thoại thời 4.0 thì con người đối thoại với tự nhiên ở các khía cạnh là hiểu biết (tự nhiên); bình đẳng (với tự nhiên); tôn trọng, và biết lắng nghe (tự nhiên). Gần đây, Thế vận hội mùa Hè Rio de Janeiro 2016 diễn ra tại Brazil kêu gọi toàn thế giới bảo vệ môi trường xanh và bầu không khí là một cách ứng xử rất văn hóa. Việt Nam hiện cũng đang tích cực đưa vấn đề môi trường vào các bậc học phổ thông.
Khoa học hóa còn là thực hiện tốt các cam kết, công ước, nghị định thư quốc tế về môi trường như cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính, thực thi Công ước Đa dạng sinh học, Nghị định thư Kyoto nhằm chống lại biến đổi khí hậu,… Đồng thời biết đấu tranh với những hành động ích kỷ của một số nước tìm cách “xuất khẩu” ô nhiễm (rác thải, hàng hóa thừa…) sang các nước khác.
Như vậy, từ ánh sáng Đề cương soi chiếu, con đường hạnh phúc hôm nay thêm tươi mới, vững bền, tốt đẹp hơn!
Nguồn: baotainguyenmoitruong